Anh Bùi Quang Huy - Bí thư Trung ương Đoàn - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: ĐỨC TÀI
TP - Đó là ý kiến của hầu hết các đại biểu nêu ra trong hội nghị Tổng kết chương trình Tiếp sức mùa thi (TSMT) 2019 sáng 3/7, tại tỉnh Quảng Nam. Sau nhiều lần thay đổi, mùa thi đã thuận lợi hơn với các sĩ tử. Nhưng cũng không biết bao nhiêu trường hợp cần được hỗ trợ từ hộp cơm, chai nước. Nhiều thí sinh, gia đình bước qua mùa thi trọn vẹn nhờ đội ngũ áo xanh.
Nhiều thí sinh cần hỗ trợ
Anh Nguyễn Quang Đông, Phó Chủ tịch Hội SVVN tỉnh Thái Nguyên nhìn nhận TSMT là chương trình vô cùng cần thiết, đặc biệt đối với các trường miền núi. “Như ở địa phương tôi, có em đi tới 20, 30km mới đến được trường, tình nguyện viên (TNV) nấu cơm, tổ chức cho thí sinh ở lại trường để bớt vất vả và mất thời gian di chuyển”, anh Đông nói.
Đồng tình với quan điểm trên, chị Bùi Thị Kim Huệ, Phó Ban Thanh thiếu nhi trường học (Tỉnh Đoàn Bình Thuận) khẳng định, nếu không có đội ngũ TSMT, rất nhiều thí sinh ở biên giới, hải đảo sẽ gặp trục trặc trong mùa vượt vũ môn. Chị Huệ dẫn chứng năm nay, TNV đã túc trực suốt hai ngày để đưa toàn bộ thí sinh ở huyện đảo Phú Quý lên tàu đi thi.
“Chắc chắn không thể bỏ TSMT, bởi dù kỳ thi đã thay đổi, gạt bớt nhiều hạn chế và bất lợi cho thí sinh lẫn người nhà nhưng cũng còn rất nhiều trường hợp cần được hỗ trợ. Đó là những em khuyết tật, gia cảnh nghèo khó, dân tộc thiểu số... Hơn nữa, các bạn TNV đều là người trẻ, dễ tiếp cận, chia sẻ và khích lệ các thí sinh hơn bất kỳ lực lượng nào hết. Như đợt thi vừa rồi, trời nắng 40 độ nhưng một số điểm thi ở Quảng Ngãi vẫn có hai “thú bông” tiếp nước, sữa, và quan trọng là tạo không khí vui tươi, giải tỏa tâm lý, áp lực cho các bạn trước khi bước vào phòng thi”, anh Nguyễn Đình An, Phó Chủ tịch Hội SVVN tỉnh Quảng Ngãi, nói.
Anh Xuân Anh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Trị khẳng định hiệu quả của TSMT vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa rất lớn, nhất là những bữa cơm miễn phí cho thí sinh vùng sâu vùng xa. Hay sự việc cậu học trò Hồ Văn Lích (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) mải tìm bò quên giờ thi đã được các tình nguyên viên lội suối đi tìm và đưa đến điểm thi kịp giờ thi ở những phút chót.
Hỗ trợ đúng người, tránh chồng chéo
Theo báo cáo của T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, chương trình TSMT năm nay được triển khai khắp cả nước với 344 đội hình tình nguyện cấp tỉnh, 2.548 đội hình tình nguyện cấp cơ sở. Hơn 55.000 TNV đã tham gia hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh tại gần 2.000 điểm thi, trong đó có hơn 53.000 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngay trong kỳ thi, các TNV túc trực tại các điểm thi để cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc, hỗ trợ ứng phó các tình huống khẩn cấp, cung cấp các suất ăn, nước uống miễn phí cho thí sinh và người nhà...
Tại hội nghị, các đại biểu chia sẻ cách thức và những kinh nghiệm tiếp sức rút ra sau nhiều năm đồng hành cùng sĩ tử. Đưa ra phương châm “thiết thực, ý nghĩa, thực sự đến với đối tượng cần”, Tỉnh Đoàn Tuyên Quang tập trung khảo sát sớm những học sinh khó khăn, từ trước kỳ thi đến nhà thăm hỏi, tặng quà kèm theo lịch thi để cả gia đình thí sinh chủ động hơn. Việc tiếp sức đúng đối tượng cũng được các địa phương chú trọng, như thí sinh miền núi thì tập trung hỗ trợ cơm nước, chỗ nghỉ ngơi; thí sinh khuyết tật sẽ được giúp đỡ di chuyển... không hỗ trợ tràn lan, đánh đồng.
Dù có nhiều thay đổi trong khâu chuẩn bị và cách làm, tuy nhiên công tác TSMT vẫn còn một số hạn chế. Điển hình là tình trạng một điểm thi có tới ba đội TSMT, TNV nhiều hơn cả thí sinh; hỗ trợ chồng chéo. Trước thực tế này, anh Lê Xuân Dũng, Trưởng Ban hỗ trợ TSMT TP HCM cho rằng mỗi điểm thi trên địa bàn chỉ bố trí tối đa 20 TNV, nếu thí sinh ít thì sẽ rút bớt TNV về làm công tác hậu cần. “Hiện chương trình TSMT ở TP HCM thực hiện vẫn hiệu quả bởi một số trường đại học sát hạch, thi năng khiếu nên thí sinh đổ về đông, rất cần TNV ở các bến xe, trường học”,
anh Dũng nói.
Anh Bùi Quang Huy, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, đánh giá cao việc các địa phương đã điều chỉnh cách tiếp sức để thiết thực hơn. Các mô hình nấu cơm tại chỗ, bố trí chỗ ở, ôn thi, hỗ trợ thí sinh nghèo, khuyết tật... đã được ghi nhận. “Trước khi triển khai tiếp sức cần phải khảo sát kỹ càng nhu cầu từng điểm thi, không nhất thiết cứ có điểm thi là có TNV, chỗ nào thật sự cần thiết mới bố trí. Một số hoạt động như cung cấp bản đồ cũng nên bỏ, vì thí sinh thi tại trường, trong địa phương; hay dàn hàng hai, hàng ba trước cổng trường cũng không cần thiết”, anh Bùi Quang Huy nói.
Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam nhấn mạnh, cần triển khai rộng khắp kênh tiếp nhận thông tin nhu cầu thí sinh qua website, đường dây nóng; các quận, Huyện Đoàn phối hợp chặt chẽ với trường học để tiếp sức. Riêng TNV phải được tập huấn kỹ để có thể tiếp sức cho thí sinh một cách tốt nhất.
“Một số ý kiến đề xuất không nên tiếp tục triển khai TSMT, tôi cho rằng chỉ nên chấm dứt một số đội hình ở cổng trường nếu không cần thiết. Còn việc hỗ trợ thí sinh éo le thì vẫn rất cần. Khi nhu cầu của thí sinh còn thì chúng ta còn phải tiến hành các hoạt động hỗ trợ. Tuy nhiên, theo thời gian hình thức thi thay đổi, nhu cầu cũng thay đổi theo, vì vậy cần chung tay triển khai giải pháp hỗ trợ cho hợp lý và hiệu quả”.
Với thành tích xuất sắc trong công tác TSMT, sáng cùng ngày, Trung tâm Hỗ trợ HSSV TP HCM; các Hội SVVN TP Hà Nội, Cần Thơ, Nghệ An đã nhận được bằng khen của Bộ GD&ĐT. Tỉnh Đoàn Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Bến Tre, Ninh Thuận, Cà Mau, Bình Phước nhận bằng khen của T.Ư Đoàn. Các Hội SVVN TP Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Thái Nguyên, Sơn La, Đồng Nai, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Đắk Lắk nhận bằng khen của BCH T.Ư Hội Sinh viên
Việt Nam.
Hiến kế tiếp sức mùa thi
Anh Nguyễn Quang Đông (ảnh), Phó Chủ tịch Hội SVVN tỉnh Thái Nguyên đề xuất việc TSMT nên tổ chức từ đầu năm học hoặc đầu kỳ 2 để tiếp cận sớm hơn những học sinh khó khăn, ở xa. Riêng với đội hình tình nguyện, cần phải điều phối, phân công công việc từ sớm, đội hình nào tới đâu, làm gì phải rạch ròi tránh chồng chéo. Cũng cách làm này, ngay từ tháng 4 có nơi đã tìm những thí sinh khuyết tật, vùng sâu vùng xa...để lên phương án hỗ trợ.
Anh Nguyễn Đình An (ảnh), Phó Chủ tịch Hội SVVN tỉnh Quảng Ngãi đề xuất, ngoài cơm nước, đưa đón, nên tiếp cận giúp đỡ thí sinh ở việc ôn thi. Trước kỳ thi nên triển khai mô hình ôn thi, có thể ôn thi tại trường, qua truyền hình... Đồng thời hỗ trợ kinh phí cho thí sinh nghèo. Phải làm trước nếu đợi đúng vào mùa thi mới triển khai sẽ rất bị động.
THANH TRẦN