Tiếng Việt

Sinh viên sáng chế robot vớt rác trên sông

Ngày đăng: 25/11/2024 - Lượt xem: 759

Nhóm sáng chế gồm 4 sinh viên: Quách Bình Phước (trưởng nhóm), Nguyễn Đăng Phúc, Huỳnh Văn Duy, Nguyễn Triết Lãm.

Quách Bình Phước hiện là Chủ nhiệm CLB thanh niên vì môi trường, thuộc Đoàn Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau. Phước đã tham gia nhiều chiến dịch bảo vệ môi trường nên hiểu rõ những khó khăn cũng như nguy hiểm khi phải vớt rác trên các con sông, dòng kênh. Từ đó, Phước đồng cảm sâu sắc với các công nhân vệ sinh, những người hằng ngày đối mặt với khối lượng rác thải khổng lồ để giữ gìn môi trường sống trong lành.

 

Nhóm sinh viên sáng chế bên robot vớt rác trên sông

 

"Theo báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Cà Mau năm 2022, trong tổng số lượng rác thải ra môi trường, có 23,9% chưa được thu gom, xử lý. Sự gia tăng nhanh chóng trong hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân khiến một lượng lớn rác thải đổ ra sông mỗi ngày và không ngừng gia tăng, gây ra những tác động đáng lo ngại cho môi trường tự nhiên và sức khỏe cộng đồng. Từ đó, em mong muốn góp phần bảo vệ môi trường bằng cách ứng dụng những gì đã học được để tạo ra thiết bị thu gom rác trên sông", Phước chia sẻ.

Mong muốn góp phần hiện đại hóa công tác thu gom rác, Bình Phước và 3 bạn Phúc, Duy, Lãm đã sáng chế robot vớt rác tự hành trên sông. Thiết bị lấy cảm hứng từ cá thòi lòi - một loại cá quen thuộc ở vùng đất Cà Mau. Robot sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và internet vạn vật (IoT), giúp tự động hóa việc thu gom rác. Bên cạnh đó, thiết bị có tích hợp tấm pin năng lượng, hoạt động liên tục vài tiếng đồng hồ và dễ dàng điều khiển, giám sát từ xa bằng thiết bị di động.

"Cá thòi lòi, với khả năng linh hoạt giữa nước và bùn lầy, đã trở thành ý tưởng để nhóm sáng chế robot. Hình dáng và sự linh hoạt của loài cá này giúp thiết bị có thể dễ dàng di chuyển trên mặt nước, tiếp cận và thu gom rác ở những khu vực khó khăn. Phần miệng hút rác của thiết bị cũng được làm rộng dựa trên phần miệng của cá thòi lòi để hút được nhiều rác hơn", Bình Phước nói.

Sau gần 1 năm nghiên cứu, lắp ráp, robot vớt rác đã hoàn thiện với chi phí thực hiện trên 10 triệu đồng. Cấu tạo của thiết bị gồm phần phao nổi, bánh xích để di chuyển thuận lợi ở mọi địa hình hiểm trở; động cơ tăng áp, băng tải để cuốn rác vào trong; camera tích hợp AI để nhận diện thông minh các loại rác thải và tránh chướng ngại vật… Thiết bị có thể thu gom được khoảng 10 - 15 kg rác thải mỗi lần vận hành; có thể điều khiển tự động trong bán kính định vị sẵn hoặc điều khiển thủ công trên điện thoại.

Vừa qua, sản phẩm robot vớt rác tự hành trên sông của 4 sinh viên nêu trên xuất sắc giành giải nhất Cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Cà Mau năm 2024. Sắp tới, nhóm tiếp tục nâng cấp thiết bị, tích hợp thêm nhiều tính năng mới để có thể vận chuyển nông sản trên sông.

Theo: Thanh Niên

 
Các tin tức khác:
 Nữ sinh Sư phạm với dấu ấn tình nguyện khi lan tỏa ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam tại Lào ( 758 lượt xem ) Bí thư T.Ư Đoàn tặng quà trường dân tộc nội trú ở Bình Định ( 744 lượt xem ) XÉT CHỌN DANH HIỆU SINH VIÊN 5 TỐT CẤP TRUNG ƯƠNG VÀ GIẢI THƯỞNG SAO THÁNG GIÊNG NĂM HỌC 2023 - 2024 ( 1225 lượt xem ) Tăng cường phát triển cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh ( 0 lượt xem ) TƯ Hội Sinh viên Việt Nam thăm, động viên đội hình tiếp sức mùa thi tại Hà Nội  ( 726 lượt xem ) Trung ương Đoàn hỗ trợ khắc phục hậu quả bão, lũ tại Thái Bình  ( 745 lượt xem ) Tăng cường phát triển cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh ( 894 lượt xem ) Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng cho cán bộ Hội ở nước ngoài  ( 792 lượt xem ) Hành trình đầy ý nghĩa của sinh viên đến với xã đảo Thổ Châu  ( 789 lượt xem ) Truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm 12 liệt sĩ hy sinh khi tham gia diễn tập ( 834 lượt xem )
TRUNG ƯƠNG HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 64 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Ðiện thoại: 04.62631849; Fax : 04.38263874
Email: vanphonghsvvn@gmail.com